Mỹ phẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm chất lượng và an toàn, các doanh nghiệp cung cấp mỹ phẩm không ngừng nâng cao quy trình sản xuất. Trong đó, việc đảm bảo nguồn nước sạch tinh khiết là yếu tố cốt lõi, quyết định trực tiếp đến chất lượng cuối cùng của sản phẩm. Mời quý khách cùng ATS Water Technology khám phá các công nghệ và quy trình xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm qua bài viết sau.

1. Tầm quan trọng của xử lý nước sạch cho sản xuất mỹ phẩm

Nước là một thành phần thiết yếu trong rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm, chiếm tới 60 – 90% thành phần. Nước được sử dụng để pha chế, hòa tan các nguyên liệu khác như chất tạo bọt, chất làm ẩm, chất điều chỉnh độ pH… Do đó, chất lượng của nước trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của sản phẩm mỹ phẩm. Nếu nước nhiễm tạp chất, vi sinh vật, hoặc có độ pH không thích hợp, nó có thể làm giảm hiệu quả của các thành phần khác, thậm chí gây ra tình trạng kích ứng da và các vấn đề sức khỏe cho người dùng.

Nước là thành phần thiết yếu quyết định chất lượng và an toàn của mỹ phẩm
Nước là thành phần thiết yếu quyết định chất lượng và an toàn của mỹ phẩm

2. Tiêu chuẩn nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm

Nước cấp cho ngành mỹ phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về độ sạch vi sinh, hàm lượng khoáng chất và pH, để không gây ảnh hưởng đến các thành phần và quy trình sản xuất mỹ phẩm.

Nước tinh khiết dùng trong sản xuất mỹ phẩm cần tuân thủ các tiêu chuẩn của GMP WHO hoặc Tiêu chuẩn nước Dược điển IV – Dược điển Việt Nam. Sau đây là một vài chỉ tiêu trong Tiêu chuẩn nước Dược điển IV:

TÊN CHỈ TIÊU YÊU CẦU
Tính chất Chất lỏng trong, không màu, không mùi, không vị.
Độ dẫn điện Không quá 4,3µS/cm ở 20°C.
Giới hạn acid kiềm Thêm 0,05ml dung dịch đỏ methyl (TT) vào 10 ml chế phẩm mới đun sôi để nguội. Dung dịch không được có màu đỏ.
Thêm 0,1ml dung dịch xanh bromothymol (TT) vào 10ml chế phẩm. Dung dịch không được có màu xanh lam.
Amoni Không được quá 0,2 phần triệu (ppm).
Clorid (chloride) Lấy 10ml chế phẩm, thêm 1ml dung dịch acid nitric loãng (TT) và 0,2ml dung dịch bạc nitrat (silver nitrate) 2% (TT). Dung dịch không được thay đổi trong ít nhất 15 phút.
Nitrat (nitrate) Không được quá 0,2 phần triệu.
Sunfat (sulfate) Lấy 10ml chế phẩm, thêm 0,1ml dung dịch acid hydrocloric loãng (TT) và 0,1ml dung dịch bari clorid (barium chloride) 6,1 %. Dung dịch không được thay đổi ít nhất trong một giờ.
Canxi (calcium) và magie (magnesium) Lấy 100ml chế phẩm, thêm 2ml đệm amoniac pH 10,0, 50mg hỗn hợp đen eriocrom T (TT) và 0,5ml dung dịch natri edetat 0,01M, màu xanh được tạo thành.
Kim loại nặng Không được quá 0,1 phần triệu (ppm).
Cắn sau khi bay hơi Không được quá 0,001%.
Độ nhiễm khuẩn Tổng số lượng vi khuẩn hiếu khí sống lại được không được lớn hơn 102 vi khuẩn/ml, xác định bằng phương pháp màng lọc, dùng môi trường thạch casein đậu tương.
Nội độc tố vi khuẩn Không được nhiều hơn 0,25EU/ml

3. Các công nghệ xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm

Trong những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất mỹ phẩm đã áp dụng các công nghệ xử lý nước tiên tiến vào quy trình sản xuất của họ. Đây là những giải pháp xử lý nước sạch tối ưu cho quy trình sản xuất mỹ phẩm như:

3.1. Công nghệ màng lọc RO

Nước RO hiện tại được ứng dụng trong công thức của hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm như: tẩy trang, sữa rửa mặt, toner, kem dưỡng và kem chống nắng. Trong những công thức này, nước RO thường đóng vai trò như là một dung môi giúp tách chiết các thành phần hữu cơ có nguồn gốc từ thực vật.

Chính việc sử dụng nước RO tinh khiết như một chất dung môi trong mỹ phẩm đã giúp nâng cao chất lượng của thành phẩm tạo ra. Nhờ vậy mà những sản phẩm mỹ phẩm sau khi hoàn thành sẽ hạn chế việc kích ứng, tác dụng phụ cho da.

Ngoài ra, việc có mặt của nước RO trong mỹ phẩm cũng góp phần làm mềm kết cấu sản phẩm, hạn chế tình trạng nhờn rít, giúp mỹ phẩm thấm sâu và nuôi dưỡng, bảo vệ làn da tốt hơn. Vì vậy mà nước RO được sử dụng phổ biến trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, nhất là những sản phẩm chăm sóc da và tóc.

Nước RO giúp tăng cường chất lượng và độ an toàn cho sản phẩm
Nước RO giúp tăng cường chất lượng và độ an toàn cho sản phẩm

3.2. Công nghệ ozone hóa

Công nghệ ozone hóa được sử dụng để khử trùng nước nhờ vào đặc tính oxi hóa mạnh mẽ của ozone. Khi ozone được hòa tan trong nước, nó sẽ tác động lên các vi khuẩn, virus và chất ô nhiễm hữu cơ có trong nước, làm chúng bị tiêu diệt một cách hiệu quả.

So với phương pháp khử trùng bằng clo, ozone không chỉ hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt các mầm bệnh mà còn không để lại dư lượng hóa chất trong nước, giúp duy trì an toàn cho sản phẩm mỹ phẩm. Hơn nữa, ozone còn có khả năng phân hủy các hợp chất hữu cơ, giảm thiểu nguy cơ tạo thành các sản phẩm phụ độc hại.

Công nghệ Ozone giúp khử trùng nước an toàn, hiệu quả
Công nghệ Ozone giúp khử trùng nước an toàn, hiệu quả

3.3. Lọc than hoạt tính

Sử dụng hệ thống lọc than hoạt tính là một trong những phương pháp phổ biến nhất trong xử lý nước, đặc biệt trong ngành mỹ phẩm. Than hoạt tính được sản xuất từ các vật liệu như gỗ, than đá hoặc dừa, có bề mặt rất lớn do cấu trúc xốp của nó. Khi nước đi qua lớp than, các tạp chất hữu cơ và vô cơ bị hấp thụ vào bề mặt của than, giúp loại bỏ mùi vị, màu sắc và các chất ô nhiễm khác.

Phương pháp này không chỉ cải thiện chất lượng nước mà còn bảo vệ các thiết bị trong hệ thống xử lý nước khỏi sự hư hại do các chất ô nhiễm gây ra.

Lọc nước bằng than hoạt tính giúp loại bỏ mùi vị, màu sắc và các chất ô nhiễm khác
Lọc nước bằng than hoạt tính giúp loại bỏ mùi vị, màu sắc và các chất ô nhiễm khác

3.4. Công nghệ UV khử trùng

Công nghệ khử trùng bằng tia UV là một phương pháp tiên tiến và hiệu quả trong việc loại bỏ vi sinh vật mà không cần thêm hóa chất. Tia UV hoạt động bằng cách chiếu sáng nước bằng các bước sóng cực tím, phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn và virus, ngăn chặn khả năng sinh sản của chúng. Phương pháp này không chỉ giúp khử trùng nước mà còn bảo toàn chất lượng nước, không làm thay đổi tính chất hóa học của nó. Điều này rất quan trọng trong ngành mỹ phẩm, nơi mà độ tinh khiết và an toàn của nước là yếu tố quyết định.

Tia UV khử trùng hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng nước cấp cho nhà máy mỹ phẩm
Tia UV khử trùng hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng nước cấp cho nhà máy mỹ phẩm

3.5. Công nghệ khử khoáng EDI

Công nghệ khử khoáng EDI (Electrodeionization) là một quy trình hiện đại kết hợp giữa điện phân và trao đổi ion để loại bỏ các ion khoáng có trong nước. Trong quá trình này, nước sẽ được dẫn qua các tấm màng trong môi trường điện trường, giúp tách các ion dương và ion âm ra khỏi nước. Kết quả là nước được xử lý có độ tinh khiết cao, đạt tiêu chuẩn cho ngành mỹ phẩm. Công nghệ EDI không chỉ giúp giảm thiểu hóa chất trong quá trình xử lý mà còn tạo ra nước có điện trở cao, đảm bảo an toàn và chất lượng cho các sản phẩm mỹ phẩm cuối cùng.

Ứng dụng công nghệ EDI xử lý nước tinh khiết cho sản xuất mỹ phẩm
Ứng dụng công nghệ EDI xử lý nước tinh khiết cho sản xuất mỹ phẩm

4. Quy trình xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm

Đặc thù ngành sản xuất mỹ phẩm thường yêu cầu cao về mức độ an toàn của thành phẩm, do đó quá trình lọc nước RO trước khi đưa vào sản xuất cũng phải được ưu tiên quan tâm hàng đầu. Thông thường, quá trình vận hành công nghệ xử lý nước RO dùng cho sản xuất mỹ phẩm được thực hiện như sau:

4.1. Giai đoạn tiền xử lý

Lọc thô bằng thiết bị lọc tự rửa của Amiad: Nước đầu vào sẽ bơm vào thiết bị Amiad, với kích thước lọc từ 200 đến 300µm. Bước này để loại bỏ các chất rắn lơ lửng có kích thước lớn, bảo vệ hệ thống lọc UF (Ultrafiltration) phía sau.

Màng UF X-Flow (Pentair): Nước sau khi lọc thô sẽ được đưa vào hệ thống lọc UF. Tại đây, màng UF X-Flow Pentair với cơ chế lọc độc đáo “inside-out” và kích thước lỗ lọc 0,02µm sẽ loại bỏ các hạt bẩn, vi khuẩn và các chất lơ lửng khác, trả lại nguồn nước sạch hơn. Sau khi lọc UF, nước sẽ được chứa trong bồn và một phần được đưa vào hệ thống RO để tiếp tục xử lý, phần còn lại sẽ được sử dụng để rửa ngược màng UF nhằm đảm bảo hiệu suất lọc luôn ổn định.

Thiết bị lọc tinh Aqualine: Sau khi lọc UF, nước sạch sẽ được bơm tới hệ thống RO. Trước khi vào bơm cao áp, nước sẽ đi qua bộ lọc tinh Aqualine 5µm nhằm loại bỏ các hạt bụi còn sót lại, bảo vệ bơm cao áp và hệ thống RO.

Hóa chất chống cáu cặn PWT: Hóa chất chống cáu cặn sẽ được bơm vào hệ thống RO bằng bơm định lượng để ngăn chặn các thành phần gây ra hiện tượng đóng cặn. Điều này giúp bảo vệ màng lọc, tăng cường hiệu quả lọc nước và giảm tần suất vệ sinh hệ thống. Hơn nữa, hóa chất PWT đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn NSF/ANSI 60, đảm bảo an toàn cho nguồn nước sau xử lý.

Sơ đồ công nghệ xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm
Sơ đồ công nghệ xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm

4.2. Giai đoạn xử lý chính

Màng RO NanoH2O: Để đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng nước cấp trong ngành mỹ phẩm, ATS Water Technology đã lựa chọn màng RO LG BW 400 R G2. Với công nghệ nano TFN tiên tiến, màng lọc này có khả năng loại bỏ đến 99,8% muối và các tạp chất khác, đảm bảo nguồn nước tinh khiết nhất. Bên cạnh đó, công nghệ Feed Spacer low dP giúp giảm áp suất chênh lệch, kéo dài tuổi thọ và nâng cao hiệu quả làm việc của hệ thống. Trong hệ thống này, màng sẽ được đặt trong vỏ màng RO Codeline Pentair có khả năng chịu áp suất cao, bảo vệ màng RO khỏi các tác động bên ngoài và giảm thiểu rò rỉ nước trong quá trình vận hành.

Thiết bị EDI khử ion MPure™ Mega: Sau khi được làm sạch qua hệ thống RO hai cấp, nước sẽ tiếp tục được xử lý bởi thiết bị EDI MPure™ Mega. Công nghệ EDI, sử dụng điện trường và màng trao đổi ion, có khả năng loại bỏ gần như hoàn toàn các ion hòa tan trong nước, tạo ra nguồn nước siêu tinh khiết với điện trở suất lên đến 18,2 MΩ∙cm.

Lưu ý: Cần phân tích chất lượng nguồn nước đầu vào để tùy chỉnh cấu hình hệ thống phù hợp với từng cơ sở sản xuất mỹ phẩm.

Quy trình xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm gồm hai giai đoạn
Quy trình xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm gồm hai giai đoạn

5. Các câu hỏi thường gặp về xử lý nước cấp cho ngành mỹ phẩm 

Ưu điểm của nước thành phẩm RO trong sản xuất mỹ phẩm là gì?

Nước thành phẩm RO có độ tinh khiết cao, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn và ô nhiễm trong quá trình sản xuất, giảm tình trạng kích ứng da, là môi trường lý tưởng để hòa tan các hoạt chất, góp phần quan trọng vào việc tạo ra các sản phẩm mỹ phẩm chất lượng cao, an toàn và hiệu quả.

Quy trình sản xuất nước cấp cho nhà máy mỹ phẩm là gì?

Quy trình xử lý nước cấp mỹ phẩm thường bao gồm hai giai đoạn: tiền xử lý (lọc thô) và xử lý chính (lọc RO và khử khoáng EDI). 

Tại sao lại cần phải khử khoáng nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm?

Khử khoáng loại bỏ các ion khoáng như canxi, magie và sắt. Các ion này có thể gây ra cặn, ảnh hưởng đến độ ổn định, tính thẩm mỹ và hiệu quả của các sản phẩm mỹ phẩm.

Việc áp dụng những công nghệ tiên tiến giúp nâng cao chất lượng nước đầu ra, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh trong sản xuất mỹ phẩm. Đây là xu hướng tất yếu để các nhà máy mỹ phẩm có thể cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai. Hy vọng qua bài viết này Quý khách hàng đã có thêm nhiều thông tin về quy trình xử lý nước cấp cho sản xuất mỹ phẩm. ATS Water Technology là đơn vị tư vấn giải pháp, công nghệ và cung cấp thiết bị xử lý nước hàng đầu tại Việt Nam. Quý khách hàng có nhu cầu cần tư vấn xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ NƯỚC ATS